Trong thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, gây bức xúc dư luận và gây hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.
Đó là đối với trẻ em nói chung, còn với trẻ khiếm thính thì mối lo ngại đó càng tăng cao khi các em chưa được trang bị nhiều kiến thức về xâm hại tình dục do rào cản ngôn ngữ. Do đó, một buổi tập huấn giữa các trường chuyên biệt dạy trẻ khiếm thính được diễn ra nhằm nâng cao hiểu biết và trang bị các kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy cho giáo viên để hướng dẫn học sinh khiếm thính chủ động phòng chống nạn xâm hại tình dục. Không ít trường hợp xâm hại tình dục (XHTD) gây chấn động dư luận vì người gây tội ác lại chính là những người thân thiết trong gia đình. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cá nhân là rất cần thiết cho các em.
Buổi tập huấn diễn ra tại trường PTCS Xã Đàn, có sự góp mặt của nhóm KID + là đơn vị tài trợ và giảng viên Phan Lan Hương, cùng tất cả giáo viên của ba trường chuyên biệt: PTCS Xã Đàn, PTCS Hy Vọng và trường dạy trẻ khiếm thính Nhân Chính Hà Nội.
Buổi tập huấn diễn ra trong hai buổi sáng và chiều ngày 5/5/2018. Thời gian buổi sáng trôi qua nhanh khi những giáo viên chúng tôi say sưa vào nghe giảng và thảo luận. 60’ là khoảng thời gian để chúng tôi ăn trưa và nghỉ ngơi nhưng các vấn đề của buổi sáng vẫn được đan xen trong các câu chuyện. 13h00’ chúng tôi lại tiếp tục hội thảo. XHTDTE để lại nhiều hậu quả nặng nề về tâm lí, thể chất ở trẻ. Trẻ bị trầm cảm, rối nhiễu về tâm lí, nhiều trẻ bị tổn thương thực thể … Những tác hại của nó quá lớn nhưng đôi khi người lớn chúng ta cũng chưa biết xử lí ra sao khi phát hiện ra sự việc XHTDTE. Báo cáo viên đã giúp chúng tôi nắm được cách giải quyết khi phát hiện ra sự việc để truyền đạt lại với phụ huynh trẻ. Khi phát hiện vụ việc XHTDTE, trước tiên chúng ta cần giữ lại tang chứng vật chứng. Nếu trẻ bị tổn thương thực thể cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện cấp cứu và nói cho bác sĩ về nghi ngờ của mình. Sau đó, chúng ta cần làm đơn thông báo tới cơ quan công an và lưu ý yêu cầu được giám định. Trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương nhất là với trẻ khiếm thính, trẻ tật. Buổi hội thảo cũng giúp giáo viên nắm được những hạn chế và nguy cơ bị XHTD của trẻ khiếm thính. Chúng tôi được tư vấn về các phương pháp dạy trẻ phòng tránh XHTD. Các phương pháp càng được khắc sâu hơn khi chúng tôi được chia nhóm xây dựng giáo án theo từng nội dung về chủ đề phòng chống XHTD. Không khí hào hứng, sôi nổi đóng góp ý kiến xây dựng giáo án giúp chúng tôi có thật nhiều năng lượng để cố gắng hết mình trong sự nghiệp giảng dạy học sinh khiếm thính và truyền tải thông điệp giúp các em biết phòng tránh XHTD.
Một số hình ảnh tại buổi tập huấn