Trẻ em khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi bởi những khiếm khuyết trên cơ thể. Các em cũng là đối tượng rất dễ bị tổn thương và có nguy cơ trở thành nạn nhân của xâm hại thể chất, tinh thần, nhất là xâm hại tình dục. Với tâm nguyện trao cơ hội giúp đỡ các em khuyết tật, các em có hoàn cảnh khó khăn để “Con hiểu biết - Con an toàn”, nhóm KID+ đã phối hợp với Eye Opener Works thực hiện dự án “Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em”. Ngày 17/ 5 vừa qua, nhóm đã đến với trường PTCS Hy Vọng – trường dạy trẻ khiếm thính tại số 50 phố Trường Lâm, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội để tổ chức các hoạt động giáo dục, trang bị cho các em những kiến thức, kĩ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Đây là một hoạt động nhân đạo có ý nghĩa sâu sắc, là một trải nghiệm thú vị của thầy và trò nhà trường.
Trước 8 giờ sáng, các thành viên của KID+ đã có mặt tại trường. Hầu hết các bạn là sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Ai nấy cũng nhiệt tình, cởi mở, thân thiện. Các bạn trò truyện với học sinh của chúng tôi và cùng tham gia giờ tập thể dục buổi sáng với các em. Sau tiếng trống vào lớp, các tình nguyện viên nhanh chóng di chuyển về các lớp để phối hợp với GVCN tổ chức các hoạt động giáo dục.
Bước vào lớp, tình nguyện viên làm quen với học sinh, sau đó lấy phiếu thu thập ý kiến của học sinh. Khởi động tiết học là trò chơi “Ai nhanh ai đúng’’ để kiểm tra sự hiểu biết thực tế của học sinh về giới tính và xâm hại tình dục. Học sinh rất thích thú và hào hứng tham gia. Nhiều em trả lời đúng đã nhận được phần quà của các anh chị. Sau đó, chúng tôi triển khai lần lượt các nội dung dạy học. Trước tiên giáo viên giúp học sinh hiểu một số kiến thức về giới tính qua cách làm việc nhóm: Vẽ bản đồ cơ thể bạn nam và bạn nữ. Với học sinh có nhận thức ở trình độ lớp 1- 2, dạy các bộ phận riêng tư trên cơ thể bạn trai, bạn gái. Với học sinh có nhận thức ở trình độ lớp 3 – 4, các em cần biết cơ thể bạn trai và bạn gái thay đổi ra so trong độ tuổi dậy thì. Sau đó, học sinh tìm hiểu về khái niệm xâm hại tình dục trẻ em, nhận biết các hành vi XHTDTE qua hoạt động ghép thẻ. Có 3 tấm thẻ lớn có tên: Hình thức động chạm, Hình thức nghe - nói, Hình thức nhìn và các tấm thẻ nhỏ thể hiện hành vi XHTDTE. Mỗi nhóm sẽ xếp các tấm thẻ nhỏ tương ứng với tấm thẻ lớn. Các nhóm tham gia chơi rất hào hứng, xếp được đúng. Đa số các em đều biết được hậu quả của xâm hại tình dục đối với trẻ em như tổn thương về thể chất, tâm lí, rối loạn hành vi…Nhưng các em thường lầm tưởng kẻ xâm hại tình dục trẻ em thường là người lạ. Các tình nguyện viên đã đưa ra nhiều tình huống để học sinh thấy kẻ xâm hại tình dục có thể là bất kì ai (người thân, người quen, người lạ…) tỏ ra thân thiết quá mức : tặng quà, cho tiền, điện thoại, muốn ở một mình với trẻ, có hành vi khiến em khó chịu cảm thấy không an toàn. Sau đó chúng tôi đưa ra một số tình huống để học sinh xử lí như: ông hàng xóm nhờ em vào buồng tối để xoa thuốc, người lạ nhờ chỉ đường hay bạn của mẹ cho quà nhiều lần và rủ đi chơi cùng…Sau khi nắm được kiến thức kẻ xâm hại tình dục dụ dỗ trẻ em bằng những cách nào thì học sinh đã có sự cảnh giác.
Buổi 2, học sinh tìm hiểu về cách phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em. Giáo viên giới thiệu quy tắc: NO – GO – TELL và ghi nhớ số điện thoại 111 hoặc 18001567 của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em. Sau đó, học sinh thực hành xử lí tình huống có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Đa số các em biết bày tỏ thái độ về hành vi nhưng cách giải quyết còn chưa hợp lí. Giáo viên đã hệ thống hóa lại điều cần ghi nhớ để phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục để tự bảo vệ chính mình. Kết thúc buổi học, học sinh viết cảm nhận và vẽ tranh về chủ đề "Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em".
Qua buổi học phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, học sinh đã nắm được các kiến thức về giới tính, hiểu được các hành vi xâm hại tình dục và cách phòng tránh. Đây là những vấn đề rất cần thiết và có ý nghĩa giáo dục quan trọng trong xã hội, nhất là đối với trẻ em. Thầy và trò Trường PTCS Hy Vọng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhóm KID+ và các tổ chức tham gia thực hiện dự án. Mong rằng dự án sẽ tiếp tục được thực hiện ở nhiều nơi trên đất nước để tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng, đồng thời lan tỏa trách nhiệm của gia đình và xã hội trong vấn đề bảo vệ trẻ em.
Một số hình ảnh buổi giáo dục phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em